Tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các giải pháp giải quyết việc làm góp phần khôi phục phát triển kinh tế sau dịch COVID-19
A+ | A | A-
Ngày đăng: 14/06/2022

Các nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách hỗ trợ về tài chính, lãi suất vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... của Trung ương cùng với triển khai nhóm 13 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được HĐND, UBND thành phố thông qua như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, chính sách phát triển công nghệ thông tin,...[1] được các Sở, ngành, đơn vị triển khai có hiệu quả, qua đó nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã được hỗ trợ kịp thời, giảm bớt một phần gánh nặng, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể:

a) Về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí:

- Thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; theo đó, từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% so với mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ; lũy kế số giảm thu lệ phí trước bạ trong 4 tháng đầu năm 2022 là 140 tỷ đồng.

- Thực hiện Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; lũy kế số giảm thu trong 4 tháng đầu năm 2022 là 29 tỷ đồng.

- Thực hiện Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND thành phố Đà Nẵng quy định miễn thu phí thăm quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và thăm quan công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2022; ước lũy kế số giảm thu trong 4 tháng đầu năm 2022 là 18 tỷ đồng.

- Thực hiện Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; ước lũy kế số giảm thu trong 4 tháng đầu năm 2022 là 12 tỷ đồng.

- Thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo đó: (1) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ theo quy định; (2) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng nêu trên được áp dụng từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước lũy kế số giảm thu thuế giá trị gia tăng từ tháng 02/2022 đến 4/2022 là 125 tỷ đồng.

Tổng số thuế, phí, lệ phí miễn, giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 324 tỷ đồng.

b) Về hỗ trợ tài chính, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ:

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nghiên cứu nội dung Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực hiện Công điện số 01/CĐ-NHNN ngày 18/7/2021 và Công điện số 02/CĐ-NHNN ngày 18/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là chủ trương giảm lãi suất đối với dư nợ cho vay hiện hữu, cho vay mới đã được các TCTD và các Hiệp hội trong ngành đồng thuận thực hiện.

Kết quả đến cuối tháng 3/2022, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ là 8.477,6 tỷ đồng cho 4.369 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ 23/01/2020 đến 31/03/2022) là 20.203,06 tỷ đồng với 9.040 khách hàng. Miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ là 408,62 tỷ đồng với 164 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ (từ 23/01/2020 đến 31/03/2022) là 3.815,48 tỷ đồng, với số lãi 20,44 tỷ đồng với 834 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế là 309.748,32 tỷ đồng (từ ngày 23/01/2020 đến 31/03/2022), số dư nợ cuối tháng 03/2022 là 29.317,36 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ là 10.555 khách hàng.

c) Về giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Sở Công Thương thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng triển khai thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, trong 02 năm 2020 - 2021, đã thực hiện 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng kinh phí là 289,17 tỷ đồng.

d) Triển khai nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành du lịch (như: giảm phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, miễn phí tham quan...): Theo đó, trong năm 2021 và Quý I/2022, Sở Du lịch thành phố đã hỗ trợ lệ phí thực hiện thủ tục hành chính cho 15 doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và 540 hướng dẫn viên du lịch cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ tương ứng với mức giảm gần 200 triệu đồng; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023[2] và giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày[3] cho 10 doanh nghiệp; miễn phí tham quan 04 khu điểm du lịch (Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm) trong năm 2021 và năm 2022[4].

e) Triển khai nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Công Thương: Thực hiện Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND thành phố Đà Nẵng quy định chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trong năm 2021, Sở Công Thương đã hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng cho 13 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố ứng dụng máy móc thiết bị, kỹ thuật, khoa học tiên tiến; tổ chức đánh giá, ứng dụng sản xuất sạch hơn cho 04 doanh nghiệp. Hiện đang triển khai thẩm định 13 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp cho 16 lượt doanh nghiệp; triển khai hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 03 cơ sở sản xuất công nghiệp và hỗ trợ xây dựng, đăng ký xây dựng thương hiệu cho 03 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng kinh phí dự kiến hơn 13,1 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương dự kiến khoảng gần 3,4 tỷ đồng.

g) Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành và triển khai một số chính sách, hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo cam kết tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (ngày 24/9/2021) như:

- Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng để thực hiện dự án phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021): Hiện nay, Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố đang triển khai thực hiện. Đến cuối quý I/2022, có khoảng 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa liên hệ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, trong đó có 6 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay vốn.

- Chính sách hỗ trợ giảm tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 17/12/2021): Hiện nay, BQL Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp đã thẩm định, gửi Sở Tài chính với số tiền sử dụng hạ tầng đề nghị giảm trên 20.018 triệu đồng. Sở Tài chính đã kiểm tra, trình Chủ tịch UBND thành phố đề nghị giảm tiền sử dụng hạ tầng với số tiền 18.329 triệu đồng (Chủ tịch UBND thành phố đã có quyết định giảm tiền sử dụng hạ tầng 6.621 triệu đồng[5]).

- Chính sách hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Công văn số 5614/UBND-SCT ngày 31/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố): Trên cơ sở đề nghị của Công ty Quản lý và Phát triển các Chợ Đà Nẵng về bổ sung kinh phí thiếu hụt do thực hiện miễn giảm tiền sử dụng diện tích bán hàng, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Công Thương báo cáo Chủ tịch UBND thành phố có Công văn số 8783/UBND-STC ngày 29/12/2021 thống nhất sử dụng 70% nguồn thu sử dụng điểm kinh doanh được để lại năm 2021 để thực hiện các hoạt động quản lý và sử dụng nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo quy định.

Đối với các chợ do tư nhân đầu tư (Chợ Hòa Cường và Chợ Siêu thị Đà Nẵng), trên cơ sở Tờ trình số 20/TTr-UBND ngày 04/3/2022 của UBND thành phố, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/3/2022 về việc hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho tiểu thương tại 2 chợ trên. Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Công văn số 1733/UBND-STC ngày 05/4/2022, Sở Công Thương đã có Tờ trình số 874/TTr-SCT ngày 22/4/2022 báo cáo UBND thành phố với số tiền đề nghị ngân sách hỗ trợ là 2.071 triệu đồng (chợ Hòa Cường: 371 triệu; chợ Siêu thị Đà Nẵng: 1.700 triệu).

- Hỗ trợ giảm tiền sử dụng nước sạch (Công văn số 5245/UBND-STC ngày 14/8/2021 của UBND thành phố)

Ngày 14/8/2021, Chủ tịch UBND thành phố có Công văn số 5245/UBND-STC thống nhất miễn, giảm tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt và tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trong 02 tháng (8/2021 và 9/2021) cho các đối tượng: (i) miễn tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt tối đa là 10m3/tháng và tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tương ứng với khối lượng nước được miễn đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố năm 2021; (ii) miễn toàn bộ 100% hóa đơn tiền sử dụng nước sạch (đã bao gồm tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải) đối với các cơ sở được dùng làm nơi cách ly tập trung theo quyết định của UBND thành phố. Tổng số tiền sử dụng nước sạch và dịch vụ thoát nước đã được giảm 1.434 triệu đồng (gồm 65 cơ sở cách ly tập trung và 11.439 hộ nghèo và cận nghèo).

Ngoài ra, tại Công văn số 8684/UBND-STC ngày 25/12/2021, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng giảm 5% giá nước sạch tiêu thụ tháng 12/2021 cho các đối tượng là doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh dịch vụ, các hộ gia đình đang áp giá nước sản xuất, kinh doanh dịch vụ; áp dụng trong kỳ hóa đơn tháng 12/2021. Tổng số tiền sử dụng nước đã được giảm là 652 triệu đồng (gồm 32.142 khách hàng thuộc diện doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh đang áp giá kinh doanh dịch vụ).

2. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm

a) Thực hiện các chính sách hỗ trợ của trung ương và thành phố cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg, Kế hoạch số 135/KH-UBND về thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; cụ thể đã hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương: 1.262 đơn vị, với 25.848 lao động (trong đó hỗ trợ thêm cho 10.136 lao động nữ mang thai và trẻ em chưa đủ 6 tuổi), với tổng số tiền là 91.348.305.000 đồng.

         - Hỗ trợ NLĐ ngừng việc: 272 đơn vị, với 10.925 lao động (trong đó hỗ trợ thêm cho 4.654 lao động nữ mang thai và trẻ em chưa đủ 6 tuổi), với tổng số tiền là 15.578.500.000 đồng.

         - Hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: đã thực hiện hỗ trợ cho 541 người lao động (trong đó có hỗ trợ thêm cho 261 lao động nữ mang thai và trẻ em chưa đủ 6 tuổi) với tổng số tiền là 2.268.110.000 đồng.

- Hỗ trợ đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và người đang điều trị COVID-19 cách ly y tế: 5.484 trẻ em F0, F1, với số tiền 5.454.500.000 đồng, 55 F0 F1 là người cao tuổi với số tiền 55.000.000 đồng; 31 F0 là người khuyết tật với số tiền 31.000.000 đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 11.852 đối tượng F0, F1 với số tiền 9.597.560.000 đồng.

- Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: Đã hực hiện hỗ trợ cho 34 người, với số tiền 126.140.000 đồng.

- Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch: 3.556 người, với số tiền 13.192.760.000 đồng.

         - Hộ kinh doanh: Hỗ trợ cho 16.941 hộ, với số tiền 50.793.500.000 đồng.

- BHXH đã thực hiện giảm mức đóng BHTNLĐ, BNN: 9.822 đơn vị, với 182.347 người, số tiền: 47.209.000.000 đồng; Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 27 đơn vị, với 4.514 người, số tiền 35.056.000.000 đồng.

- Thực hiện cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng triển khai từ 31/8/2021 đến 31/3/2022 với kết quả như sau: Giải ngân cho vay 98 lượt doanh ngiệp với tổng số tiền là 45.677 triệu đồng, số lượt người lao động được trả lương là 11.899 lao động. Trong đó, (i) Vay vốn trả lương ngừng việc: cho vay 52 lượt doanh nghiệp với  1.533 số lượt người lao động, số tiền là 5.961 triệu đồng; (ii) Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh: cho vay 40 lượt doanh nghiệp với 9.279 số lượt người lao động, số tiền là 35.508 triệu đồng; (iii) Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở người ngoài theo hợp đồng: cho vay 06 lượt doanh nghiệp với 1.087 số lượt người lao động, số tiền vay là 4.208 triệu đồng.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện hỗ trợ từ quỹ Bảo biểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn thành phố với tổng số tiền 549,81 tỷ đồng và giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động 28,51 tỷ đồng.

         b) Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động đặc thù riêng của thành phố và chính sách hỗ trợ theo Khoản 21, Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg:

          - Về đối tượng đặc thù riêng của thành phố: (1) Đối tượng người có công cách mạng: đến ngày 28/01/2022, các địa phương đã chi hỗ trợ cho 100% đối tượng theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố, với 13.526 người, với số tiền 19.406.000.000 đồng; (2) Đối tượng người lao động có giao kết HĐLĐ hoặc không có giao kết HĐLĐ theo khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP và tiết 2 điểm a khoản 3 Mục V Kế hoạch số 135/KH-UBND: các địa phương đã thực hiện hỗ trợ 1.988 người, với số tiền 2.975.000.000 đồng.

          - Đối tượng theo khoản 21 Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho: 9.254 hộ, với số tiền: 24.950.000.000 đồng.

c) Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Hiện nay các quận, huyện đang trong quá trình triển khai thực hiện.

d) Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng đã được NHCSXH Việt Nam phân bổ nguồn vốn 112 tỷ đồng, các chương trình cụ thể:

- Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ: 40 tỷ đồng

- Chương trình cho vay cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và khoản 10, Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ: 70 tỷ đồng.

- Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg: 01 tỷ đồng.

- Chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg: 01 tỷ đồng.

Sau khi có Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch cho vay, NHCSXH thành phố đã tham mưu kịp thời giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ năm 2022 đến các phường, xã để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Ngay khi được phân bổ vốn, Chi nhánh NHCSXH thành phố và các quận, huyện đã tích cực giải ngân đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế của người dân, nhu cầu xây, sửa chữa nhà để ở, mua nhà ở xã hội, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học trực tuyến. Kết quả đến 15/5/2022 đã giải ngân cho vay 55,221 tỷ đồng, gồm: cho vay giải quyết việc làm nguồn vốn NHCSXH huy động: 40 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội nguồn vốn trung ương: 15,181 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ sinh viên mua máy tính: 40 triệu đồng.

3. Các giải pháp giải quyết việc làm góp phần khôi phục phát triển kinh tế sau dịch COVID-19

         Dịch COVID-19 đã làm cho một bộ phận người lao động không có việc làm, mất việc làm, nhất là ở các lĩnh vực du lịch, khách sạn, thương mại... Ngành chức năng đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp về giải quyết việc làm cho người lao động, nỗ lực cùng với các địa phương, đơn vị sớm đưa người lao động quay lại thị trường lao động góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn, cụ thể:

- Tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để khuyến khích người lao động trong các khu công nghiệp quay lại thị trường lao động.

- Nắm bắt thông tin và điều tiết cung - cầu lao động, trong đó chú trọng đến việc đưa phần mềm kết nối giải quyết việc làm vào hoạt động, trên cơ sở này phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm online. Triển khai tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ tại 03 địa điểm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm; khẩn trương phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm di động tại các quận, huyện và các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (quy mô từ 100 lao động trở lên), với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để cung cấp cho người lao động được biết.

- Giải quyết tốt các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng tiêu chí đào tạo lại để đưa lao động sớm trở lại thị trường lao động.

          - Xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm chuyển sang tự tạo việc làm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm mới cho người lao động được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Đẩy mạnh công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; nhất là tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp miễn phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đến các đối tượng thuộc gia đình chính sách người có công với cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa, không còn đất sản xuất, lao động là người khuyết tật, lao động thất nghiệp…

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục